Khoa Công nghệ sinh học & CNTP
Thông tin tuyển sinhThông tin tuyển sinh
WEBSITE CÁC ĐƠN VỊ
Trang chủ Thư viện Tài liệu tự học
06/08/2018 14:58 - Xem: 3235

Một số kỹ năng trả lời phỏng vấn

Có người cho rằng, mục đích câu hỏi trong buổi phỏng vấn là để nhà tuyển dụng tìm lý do đánh trượt ứng viên và nhiệm vụ của ứng viên là đưa ra câu trả lời để thuyết phục người phỏng vấn không có lý do bỏ qua mình. Với sinh viên mới ra trường, trả lời phỏng vấn là một kỹ năng rất quan trọng, giúp bạn tìm được công việc hoặc vị trí mong muốn một cách dễ dàng hơn. Một số kỹ năng sau có thể giúp bạn nâng cao hơn hình ảnh bản thân trong buổi phỏng vấn.

Quy tắc đầu tiên trong trả lời phỏng vấn là: nếu ai cũng có thể đưa ra câu trả lời như bạn hay người phỏng vấn có thể đoán được câu trả lời trước khi bạn nói ra thì những gì bạn nói sẽ không có giá trị nhiều. Câu trả lời tốt phải mang tính cá nhân cao, có cách tiếp cận vấn đề theo hướng độc đáo, tích cực mà người phỏng vấn không thể đoán trước. “Tại sao bạn xin việc ở công ty chúng tôi?” – Bạn nghĩ có bao nhiêu lần người phỏng vấn phải nghe những câu trả lời đại loại như: ồ đây là công ty lớn, môi trường làm việc chuyên nghiệp, tôi nghĩ mình sẽ có nhiều cơ hội thăng tiến (và liệu đó cũng là câu trả lời bạn đang nghĩ đến?)

Quy tắc thứ hai là cần phân biệt giữa câu trả lời “chấp nhận được” với câu trả lời “tốt hoặc xuất sắc”, hay nói cách khác: có sự khác nhau giữa những gì bạn muốn nói với câu trả lời người phỏng vấn muốn hoặc cần nghe. “Nếu bạn nhận được học bổng và sang Úc, liệu bạn có đi làm thêm không? – Tôi nghĩ nếu có thể đảm bảo được việc học thì tôt sẽ đi là vào cuối tuần.” “Khi hoàn thành khóa học, bạn muốn ở lại hay trở về nước làm viêc? – Tôi mong muốn trở về hơn vì tôi yêu đất nước và con người nơi tôi sinh ra hơn”. Đây là những câu trả lời đôi khi tạm chấp nhận được nhưng không phải những gì người phỏng vấn muốn nghe. Sẽ tốt hơn nếu bạn nhìn vấn đề theo hướng khác: “Nếu có thời gian rảnh ngoài giờ học, tôi sẽ ưu tiên các hoạt động ngoại khóa giúp tôi hiểu thêm và văn hóa và con người nơi đây hay giúp tôi tăng cường mạng lưới của mình. Có thể tôi sẽ đi làm, nhưng chỉ trong trường hợp công việc giúp tôi thực hành những gì đã học hay nâng cao kiến tức của bản thân.”

Bên cạnh đó, việc nhận diện câu hỏi thường gặp sẽ giúp bạn chuẩn bị tốt hơn cho buổi phỏng vấn. Có thể tạm chia câu hỏi thành một số dạng chính như sau:

1. Câu hỏi thu thập thông tin

Những câu hỏi dạng này khá đơn giản từ giới thiệu bản thân, kể một số thành tích bạn đã đạt được, vị trí làm việc mong muốn… Tuy nhiên, cần hiểu rằng không ai muốn nghe tiểu sử của bạn từ lúc còn nhỏ hay có bao nhiêu môn học bạn được điểm A, cũng không ai muốn đón nhận những câu trả lời quá ngắn. Khó có thể tìm một khuôn khổ cụ thể về độ dài của câu trả lời, nhưng thông thường nên tránh các câu trả lời quá ngắn hoặc quá dài dòng. Tùy vào câu hỏi mà bạn có thể trả lời từ 3-10 câu, trong khoảng 30 giây đến 1 phút. Bạn có thể giải thích thêm cho câu trả lời, bổ sung tại sao thành tích đó là đặc biệt, bạn có năng lực hay kinh nghiệm gì phù hợp với vị trí đó, song cần tránh miên man.

2. Câu hỏi đánh giá kiến thức

Trong một số trường hợp, đây là dạng khó nhất bởi nó đòi hỏi ứng viên phải có kiến thức cụ thể. Bạn cũng có thể bị hỏi về một nội dung mà mình không nắm chắc.  Với sinh viên mới ra trường hay thậm chí cả những người với nhiều năm kinh nghiệm, không ai dám khẳng định mình biết hết mọi thứ trong lĩnh vực làm việc. Đôi khi thành thật là câu trả lời tốt nhưng nên kèm theogiải thích tại sao bạn không biết về nội dung đó hoặc mở rộng vấn đề hay đề cập đến những kỹ thuật thay thế hoặc tương đương mà bạn đã biết, ví dụ: “ở Thái Nguyên người dân vẫn thường dùng các bể biogas nhỏ nên tôi ít gặp phải các vấn đề trong hệ thống công nghiệp như ông vừa hỏi. Nhưng tôi tin rằng tôi sẽ không gặp nhiều khó khăn để nhanh chóng tiếp cận công nghệ mới”. Tự tin, tránh lúng túng đóng vai trò rất quan trọng khi gặp những vấn đề mà bạn chưa biết rõ.

3. Câu hỏi đánh giá khả năng xử lý tình huống

“Hãy kể về một khó khăn bạn gặp phải, bạn nghĩ mình sẽ phải đối mặt với thách thức gì trong môi trường mới?”. Đây là những dạng câu hỏi không chỉ đánh giá khả năng xử lý tình huống mà còn cả thái độ của ứng viên trong công việc. Nhớ rằng không ai muốn bạn kể lể lê thê về khó khăn đã gặp. Bạn có thể đề cập ngắn về vấn đề đã hay sẽ gặp phải cũng như giải thích tại sao đó lại là thách thức. Hãy cô động vấn đề trong vài câu rồi chuyển sang phần tiếp theo quan trọng hơn nhiều: bạn xử lý vấn đề một cách thành công như thế nào? Những gì người phỏng vấn muốn đón nhận là cách thức bạn tận dụng những nguồn lực hiện có cũng như mở rộng mạng lưới và mối quan hệ để đương đầu với thách thức ra sao. Bạn sẽ được đánh giá cao hơn nhiều nếu có thể nêu bật được cách thức biến trở ngại thành lợi thế của bản thân như “… Nhờ đó mà tôi đã đặt được quan hệ hợp tác với nhà máy giấy trong vùng, họ đồng ý vận chuyển miễn phí bùn thải cho chúng tôi, giúp giảm đáng kể chi phí nghiên cứu…” Trong quá trình phỏng vấn, bạn có thể sẽ gặp những tình huống giả định, ví dụ: nếu bạn giữ vị trí này, bạn sẽ làm gì cho công ty? Bạn nhìn nhận bản thân như thế nào sau 5 năm tới? Những câu hỏi tình huống khá đa dạng, chuẩn bị tâm lý tốt là điều kiện quan trọng nhất để đương đầu với câu hỏi dạng này.

4. Câu hỏi đánh giá lựa chọn/mối liên hệ

Bạn biết gì về công ty chúng tôi?/ Tại sao bạn chọn trường này?/ Lý do gì khiến bạn chọn Úc?... Đó là một vài dạng câu hỏi phổ biến để đánh giá sự lựa chọn của ứng viên. Những câu hỏi này được dùng rất thường xuyên và cũng nhiều khi là lý do khiến ứng viên mất điểm bởi những câu trả lời chung chung như: “Đây là một công ty lớn, chuyên nghiệp…”, “trường này nổi tiếng, có thứ hạng cao…” Câu trả lời tốt phải gắn liền với cảm xúc, kinh nghiệm và mục đích của riêng bạn mà người khác không thể có. Đồng thời, nên thể hiện rằng lựa chọn của bạn đã được ấp ủ, xây dựng kế hoạch trong thời gian dài ra sao: “Tại sao tôi chọn Úc ư? Môi trường học tập tốt, khí hậu trong lành, ngoài ra sở thích đặc biệt của tôi còn là du lịch nữa. Từ khi 10 tuổi, tôi đã luôn ao ước được đặt chân đến Nhà hát Opera Sydney, được ngắm rặng san hô Great Barrier Reef hay được nhìn tận mắt công viên quốc gia Uluru-Kata Tjuta.... Quả là một đất nước quyến rũ mà tôi biết chẳng bao giờ tôi chán”. “Hai năm trước, khi tìm hiểu về phương pháp cải tạo môi trường của thành phố, tôi đã gặp mô hình xử lý nước thải của giáo sư Lee ở Đại học Nông Lâm. Đó là một công trình tuyệt vời giúp tôi giải quyết rất nhiều vấn đề mà tôi vướng mắc lúc đó… Ngoài ra, tôi cũng thấy rất nhiều nhóm nghiên cứu triển vọng ở trường… Từ đó tôi đã xác định mục tiêu một ngày kia tôi sẽ đến học và làm việc tại trường, đó là lý do tại sao hôm nay tôi có mặt tại đây…” Bên cạnh có cũng có thể kết hợp giữa  câu chuyện của bản thân và tiêu chí lựa chọn của công ty/nhà tuyển dụng để họ thấy được mong muốn cống hiến từ bạn.

5. Câu hỏi bẫy và vài dạng câu hỏi khác

Có những dạng câu hỏi mà việc trả lời “có” hay “không” đều mang ý nghĩa tiêu cực. “Nếu có công ty trả mức lương cao gấp đôi, liệu bạn có chuyển công việc không?”. Giả sử bạn trả lời thành thực “Có” có thể mang đến cái nhìn thiếu thiện cảm, nhưng trả lời “Không” lại mang tính thiếu thuyết phục. Như đã đề cập, trả lời phỏng vấn không phải chỉ nói những gì bạn cho là đúng mà đôi khi là nên nói những gì nhà tuyển dụng cần (muốn) nghe. Bạn không cần nói dối nhưng hãy mở rộng vấn đề hoặc nhìn vấn đề trong một bức tranh toàn cảnh. Câu trả lời tốt hơn có thể là “Ồ, tôi cho rằng không chỉ riêng tôi mà mọi người đều đồng ý rằng tiền bạc rất quan trọng, nhưng tôi nghĩ còn nhiều yếu tố quan trọng không kém như môi trường làm việc hay cơ hội thăng tiến. Nếu giả sử tôi được tưởng thưởng xứng đáng và làm việc trong môi trường tích cực, năng động với nhiều cơ hội phát triển bản thân thì không có lý do gì tôi chuyển đến một nơi với mức lương cao hơn nhưng đi kèm tương lai vô định.”

Chuẩn bị tốt cho buổi phỏng vấn sẽ giúp bạn thêm tự tin cũng như nâng cao vị thế của mình trong mắt nhà tuyển dụng. Những câu trả lời mang dấu ấn cá nhân sẽ tốt hơn nhiều thay vì những gì có thể đọc được ở đâu đó. Điệu bộ, cử chỉ và giọng nói đóng vai trò quan trọng không kém. Tuy nhiên, cần phải nhớ quy tắc thứ 3: khó có câu trả lời nào che đậy được một bảng điểm tệ hại, vốn ngoại ngữ kém cỏi cùng thành tích nghèo nàn hay kinh nghiệm thực tế là con số 0 tròn trĩnh. Bởi vậy, hãy chuẩn bị tốt hành trang ngay từ khi còn đang còn là sinh viên thay vì đợi đến đêm trước buổi phỏng vấn.

Dương Mạnh Cường – Hà Thị Hồng

 

Tham khảo:

https://www.themuse.com/advice/how-to-answer-the-31-most-common-interview-questions

CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC
Web các đơn vị
Thông tin tuyển sinh
Đang online 582
Hôm nay 1151
Hôm qua 6838
Tuần này 21528
Tuần trước 11560
Tháng này 3753102
Tháng trước 3843540
Tất cả 48274181

Lượt truy cập: 48274181

Đang online: 582

Ngày hôm qua: 6838

Phụ trách kỹ thuật: 0987. 008. 333

online

Chào mừng bạn đến với hệ thống trả lời hỗ trợ trực tuyến.
Để liên hệ với các bộ phận xin vui lòng điền đầy đủ vào mẫu kết nối

Họ và tên


Địa chỉ Email


Yêu cầu hỗ trợ