Phòng Quản lý chất lượng
Phòng QLCL
WEBSITE CÁC ĐƠN VỊ
Trang chủ Phòng chống tham nhũng
11/11/2015 08:10 - Xem: 22632

Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng chống, tham nhũng

BÁO CÁO TỔNG KẾT

10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng

Căn cứ Công văn số 2217/ĐHTN-TTr ngày 30 tháng 10 năm 2015 của Giám đốc Đại học Thái Nguyên về việc Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN).

  Trường Đại học Nông Lâm báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng với những nội dung sau:

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH

Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên được thành lập ngày 19 tháng 9 năm 1970 theo Quyết định số 98/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tên của trường đã có nhiều thay đổi qua nhiều thời kỳ để phù hợp với nhiệm vụ và yêu cầu của thực tiễn: Trường Đại học Kĩ thuật miền núi (từ 9/1970 đến 01/1971); Trường Đại học Nông Lâm miền núi (từ 02/1971 đến 02/1972); Trường Đại học Nông nghiệp III (từ 3/1972 đến 3/1994). Ngày 04 tháng 4 năm 1994 Chính phủ ra nghị định 31/CP về việc thành lập Đại học Thái Nguyên, trường trở thành đơn vị thành viên của Đại học Thái Nguyên với tên gọi là Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên.

Trường Đại học Nông Lâm được Nhà nước giao nhiệm vụ đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật nông, lâm nghiệp có trình độ Đại học và Sau đại học, là Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế, xã hội bền vững ở các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc Việt Nam.

Nhà trường đã trải qua 45 năm trưởng thành và phát triển với 8 Phòng chức năng; 8 khoa chuyên môn; 5 trung tâm Đào tạo; 2 Viện nghiên cứu.

Tổng số cán bộ viên chức, lao động hợp đồng của Trường hiện nay là 525 người trong đó có 309 cán bộ giảng dạy và 216 cán bộ phục vụ với 4 giáo sư, 22 PGS, 97 tiến sỹ, 240 thạc sỹ. Trường Đại học Nông Lâm có bề dày thành tích về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới khung chương trình đào tạo, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và tăng cường cơ sở vật chất phục vụ đào tạo không ngừng nâng cao vị thế của mình trong quá trình phát triển.

Nhà trường đang đào tạo 24 chuyên ngành đại học thuộc các lĩnh vực: Trồng trọt, Chăn nuôi, Kinh tế nông nghiệp, Quản lí đất đai, Khoa học môi trường, Lâm nghiệp… 8 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ và 7 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ.

Nhà trường tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”; “Nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng nhu cầu xã hội”. Sau 10 năm thực hiện sâu rộng Luật phòng, chống tham nhũng; thực hiện “Qui tắc ứng xử, Qui tắc đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, viên chức; trường đại học Nông Lâm đã chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng, thực hiện nghiêm các Qui tắc ứng xử, Qui tắc đạo đức nghề nghiệp, từ khâu tuyên truyền, giáo dục, xây dựng kế hoạch đến tổ chức thực hiện, từng bước giúp cho cán bộ viên chức (CBVC), sinh viên (SV) nâng cao được nhận thức về vai trò và nhiệm vụ của mình trong công tác phòng, chống tham nhũng, từ đó tích cực tham gia vào công tác phát hiện và phòng ngừa những hành vi tham nhũng. 

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG

1. Việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật Phòng, chống tham nhũng

- Việc hướng dẫn, triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành của cấp trên về PCTN và các hình thức cụ thể đã thực hiện để quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN: Nhà trường đã triển khai thực hiện Luật PCTN, các Luật sửa đổi, bổ sung Luật PCTN để quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN bằng nhiều hình thức: Thông qua các đợt sinh hoạt chính trị, phổ biến bản tin phòng chống tham nhũng trong sinh hoạt Chi bộ định kỳ, đăng các văn bản về phòng chống tham nhũng trên cổng thông tin điện tử, bảng tin pháp luật.

Nhà trường đã tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về luật phòng chống tham nhũng, luật viên chức cho các đồng chí trong Ban giám hiệu, trưởng phó các đơn vị, chủ tịch hội cựu chiến binh, bí thư đoàn thanh niên, chủ tịch hội sinh viên, chủ tịch các công đoàn bộ phận.

- Nhận thức của cán bộ, viên chức về công tác PCTN; tính tiên phong, gương mẫu của tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ viên chức trong PCTN: Qua đó đã nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên và nhân viên toàn trường về công tác PCTN. Đặc biệt là sự gương mẫu thực hiện của đảng viên trong Đảng bộ.

- Các kết quả khác đã thực hiện để quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN; hiệu quả và chất lượng thực hiện:

Song song với công tác tuyên truyền miệng, nhà trường còn thực hiện các chương trình chuyên đề như: Nhà trường đã tuyên truyền, ban hành các văn bản các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiết kiệm, chống lãng phí. Qua đó, đã tạo điều kiện cho cán bộ viên chức nắm được các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, trên cơ sở đó tích cực đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; Nâng cao ý thức thực hành tiết kiệm trong chi tiêu, sử dụng ngân sách nhà nước, nâng cao trách nhiệm phục vụ cộng đồng.

- Tình hình, kết quả và đánh giá việc đưa nội dung PCTN vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng theo Đề án 137, Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Nhà trường bố trí nội dung phòng chống tham nhũng vào môn Nhà nước và pháp luật (2 tín chỉ), số tiết giảng dạy về luật phòng chống tham nhũng là 5 tiết.

Sau khi triển khai Chỉ thị số 10/CT-TTg sinh viên được nâng cao kiến thức pháp luật về Luật PCTN, được tiếp cận và hiểu quyền của học sinh sinh viên với vấn đề phòng chống tham nhũng. Sinh viên có ý thức hơn về công tác Phòng chống tham nhũng và giải quyết khiếu nại tố cáo.

- Đánh giá những bất cập, vướng mắc của cơ chế, chính sách, pháp luật và những hạn chế, yếu kém trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật PCTN; nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém: Không.

2. Mô hình tổ chức các cơ quan phòng, chống tham nhũng và sự phối hợp công tác giữa các cơ quan Phòng, chống tham nhũng

- Việc tổ chức, bố trí cán bộ thường trực thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng; việc thực hiện chế độ, chính sách, đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác PCTN:

Nhà trường đã phân công chuyên viên phụ trách công tác thanh tra để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến các văn bản luật đến toàn thể cán bộ, giáo viên và sinh viên.

- Công tác phối hợp trong PCTN: Nhà trường phối hợp với tổ chức đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng.

- Đánh giá hiệu quả của mô hình tổ chức PCTN hiện nay, chất lượng, hiệu quả của đội ngũ cán bộ làm công tác PCTN: mô hình và chất lượng của đội ngũ cán bộ làm công tác PCTN là hiệu quả.

3. Việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng

- Công tác cải cách hành chính góp phần phòng ngừa tham nhũng: Nhà trường đã tiến hành xây dựng tập Danh mục các thủ tục hành chính trên các lĩnh vực: đào tạo, công tác học sinh sinh viên, nghiên cứu khoa học, tài chính, quản lý cơ sở vật chất … nhằm thực hiện cải cách, hướng tới công khai minh bạch các thủ tục hành chính giúp cho CBVC, HSSV thuận lợi hơn trong công việc, từng bước nâng cao hiệu quả và tính chuyên nghiệp trong công tác phục vụ đào tạo.

- Thực hiện công khai, minh bạch trong tuyển dụng, bố trí, quy hoạch, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ; thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức: Nhà trường thực hiện “3 công khai” theo quy định bằng nhiều hình thức như niêm yết trên bảng tin, trên cổng thông tin điện tử và thông qua trong các cuộc họp cũng như trong Hội nghị CBCC hàng năm.

- Thực hiện công khai, minh bạch trong công tác tài chính; tuyển sinh, đào tạo, đầu tư xây dựng cơ bản; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ: Nhằm quản lý các hoạt động mua sắm công và xây dựng cơ bản, đảm bảo minh bạch, công khai, phục vụ thiết thực công tác học tập của sinh viên, giảng dạy của giáo viên, hàng năm các khoa, phòng ban chức năng đã tiến hành lập kế hoạch chi tiết và được nhà trường phê duyệt. Phòng Quản trị - Phục vụ có trách nhiệm thực hiện việc mua sắm, lập hồ sơ xây dựng, sửa chữa các công trình theo đúng các văn bản hiện hành như: thông báo trên phương tiện thông tin và thông báo Đầu tư về các gói thầu, thẩm tra và thẩm định giá, hồ sơ thiết kế báo cáo kinh tế kỹ thuật. Các công trình xây dựng, sửa chữa thực hiện theo đúng quy định quản lý xây dựng, từ các khâu thiết kế, dự toán, mở đấu thầu, thi công, giám sát, nghiệm thu…không để xẩy ra tình trạng vi phạm các quy định, dẫn đến tình trạng kém chất lượng. Công tác thu chi tài chính của trường được thực hiện theo quy chế chi tiêu nội bộ. Quy chế chi tiêu nội bộ của trường được xây dựng lại hàng năm, căn cứ các văn bản pháp quy hiện hành của Nhà nước, Chính phủ, các bộ ngành có liên quan, căn cứ vào tình hình phát triển của Nhà trường và điều kiện phát triển KT-XH  nói chung.

- Xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng; việc tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khi có dấu hiệu tham nhũng: Thời gian qua không xảy ra hành vi tham nhũng nào trong phạm vi trường quản lý. Do nhận thức của tập thể cán bộ, viên chức nhà trường thể hiện đạo đức nghề nghiệp, đạo đức nhà giáo nên chưa phát hiện có hành vi tham nhũng xảy ra.

- Xây dựng và thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn về tài chính và quản lý, sử dụng tài sản công (gắn với kết quả thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí): Các tiêu chuẩn, định mức, trách nhiệm cán bộ quản lý (CBQL), sử dụng ô tô, xăng xe, điện thoại, điện, nước, hội nghị, hội thảo khoa học, đào tạo, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, chi hỗ trợ tiền lương tăng thêm, chi hỗ trợ các ngày Lễ, Tết, các hoạt động hiếu, hỷ, khen thưởng... đều được công khai, minh bạch. Cụ thể hóa các tiêu chuẩn, chức danh quản lý nhằm sử dụng kinh phí một cách tiết kiệm, hợp lý và có hiệu quả. Các định mức, tiêu chuẩn đã được thể hiện trong Quy chế chi tiêu nội bộ của Trường. Bên cạnh đó, nhà trường thực hiện tốt Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo kế hoạch đã đề ra.

- Thực hiện quyền tự chủ về tài chính, biên chế và giao khoán kinh phí hoạt động cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị có đủ điều kiện; thực hiện việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước: Nhà trường thực hiện quyền tự chủ về tài chính theo quy định hiện hành.

- Thực hiện các quy định về minh bạch về tài sản thu nhập: Các cá nhân phải kê khai, minh bạch tài sản thu nhập đều thực hiện tốt theo quy định.

- Xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức: Nhà trường đã xây dựng quy tắc ứng xử với cán bộ viên chức trong nhà trường, thực hiện quy tắc đạo đức nghề nghiệp theo Điều lệ trường đại học.

- Việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng: Không có trường hợp tặng và nhận quà trong nhà trường.

- Việc thực hiện trách nhiệm giải trình trong thực thi nhiệm vụ, công vụ: Nhà trường chưa có vụ việc nào để phải giải trình.

- Hoàn thiện và thực hiện các quy định phục vụ công tác PCTN trong các hoạt động: Công tác cải cách hành chính; quản lý, sử dụng đất đai, công sở; hoạt động mua sắm công và công tác thu, chi ngân sách; quản lý, sử dụng kinh phí chương trình mục tiêu, chương trình quốc gia, kinh phí nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; quản lý vốn, tài sản của Nhà nước: Nhờ công tác tuyên truyền vận động tốt mà cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong toàn trường nâng cao ý thức giữ gìn, bảo quản tài sản công. Trang thiết bị, máy móc trong toàn trường luôn kiểm tra thường xuyên và sử dụng đúng mục đích. Tài sản được kiểm kê định kỳ, có sổ sách theo dõi số lượng và tình trạng tài sản. Nguồn điện, nước đã được sử dụng tiết kiệm đến mức tối đa. Ban kiểm kê tài sản hàng năm đã rà soát, đánh giá lại toàn bộ hệ thống trang thiết bị, tài sản đất đai của trường, hạn chế lãng phí hơn. Công tác thu chi thực hiện theo đúng kế hoạch dự toán hàng năm đã được Đại học Thái Nguyên phê duyệt. Các nguồn thu thực hiện theo đúng các văn bản quy định của Nhà nước. Việc trích nộp các qũy thực hiện đúng theo các văn bản quy định, hướng dẫn của Nhà nước, Chính phủ, các bộ ngành có liên quan, được thể hiện trong quy chế chi tiêu nội bộ và các văn bản quyết định của Nhà trường.

- Các giải pháp đổi mới công nghệ quản lý và hạn chế tiêu dùng tiền mặt: Nhà trường thực hiện trả lương và một số phụ cấp khác qua thẻ ATM.

- Đánh giá việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; (hạn chế, yếu kém; nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém: Không có.

4. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng; công tác thu hồi tài sản tham nhũng

- Kết quả phát hiện tham nhũng qua công tác tự kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo (nếu có): Nhà trường không có trường hợp tham nhũng nào.

- Kết quả xử lý hành vi tham nhũng: Xử lý cá nhân tham nhũng, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan: Nhà trường không có trường hợp tham nhũng nào.

- Kết quả thu hồi tài sản và khắc phục thiệt hại do tham nhũng: Nhà trường không phát hiện trường hợp tham nhũng nào.

- Đánh giá việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng (hạn chế, yếu kém; nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém): Không.

 

5. Hoạt động giám sát công tác Phòng, chống tham nhũng; thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng

- Hình thức thanh tra, kiểm tra, giám sát trong công tác PCTN: Nhà trường tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề như việc cấp phát văn bằng chứng chỉ, việc quản lý hồ sơ tuyển sinh hệ 30a, thanh tra công tác phục vụ giảng đường...

- Kết quả thanh tra, kiểm tra, giám sát: Trong quá trình thanh tra chưa phát hiện trường hợp tham nhũng nào.

- Đánh giá công tác giám sát công tác PCTN, thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện Luật PCTN (hạn chế, nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém): Không.

III. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Đánh giá chung về tình hình tham nhũng và nguyên nhân

- Khái quát về tình hình tham nhũng xảy ra tại đơn vị (thông qua phân tích, đánh giá kết quả phát hiện, xử lý; phản ánh của dư luận, báo chí; kết quả khảo sát (nếu có): Nhà trường không có trường hợp tham nhũng nào nhưng thông qua phản ánh của dư luận, báo chí, nhà trường có một số nhận định sau: Tình hình tham nhũng có những bước tiến triển tích cực so với những năm trước. Tuy nhiên, hiện nay, tình hình tham nhũng vẫn còn diễn biến phức tạp; hành vi tham nhũng tinh vi hơn xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều cấp. Các hành vi tham ô tài sản, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ vẫn còn xảy ra ở nhiều lĩnh vực.

- Đánh giá nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến tình hình tham nhũng; tác động của các biện pháp PCTN đối với tình hình; sự thay đổi của tình hình tham nhũng so với thời điểm ban hành Luật PCTN và thời điểm sơ kết 5 năm thực hiện Luật PCTN; nguyên nhân của những thay đổi:

+ Công tác quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực vẫn còn sơ hở, lỏng lẻo; thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp.

+ Một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa quan tâm giải quyết rốt ráo đơn thư tố cáo của công dân liên quan đến tham nhũng và hành vi có liên quan tham nhũng; chưa chủ động thực hiện kiểm tra, thanh tra phòng, chống tham nhũng.

+ Công tác thanh tra, kiểm tra công vụ đối với các cơ quan hành chính nhà nước chưa được tiến hành thường xuyên, dàn đều nên tình hình vi phạm (nhũng nhiễu, vòi vĩnh, …) trong giải quyết công việc liên quan đến công dân và doanh nghiệp vẫn chưa được khắc phục triệt để.

+ Một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tu dưỡng rèn luyện, lợi dụng sơ hở trong quản lý, cơ chế, chính sách để thực hiện hành vi tham nhũng; lợi dụng nhiệm vụ được giao để nhũng nhiễu, voi vĩnh; cố ý làm trái những quy định, quy trình công tác để vụ lợi.

2. Đánh giá chung về công tác Phòng, chống tham nhũng

- Đánh giá tiến triển của công tác PCTN, so sánh kết quả, hiệu lực, hiệu quả của việc thực hiện các biện pháp PCTN hiện nay với thời điểm tổng kết 5 năm thực hiện Luật PCTN năm 2011: Công tác phòng, chống tham nhũng luôn được Đảng và Nhà nước chỉ đạo triển khai thực hiện rất quyết liệt, bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực so với yêu cầu đề ra. Tình hình dư luận xã hội, tâm tư, hành động của đại bộ phận cán bộ, công chức và nhân dân đều đồng tình và hưởng ứng thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng nên góp phần tạo ra hiệu quả tốt cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

- Đánh giá tổng quát những khó khăn, vướng mắc chủ yếu trong việc thực hiện Luật PCTN; nguyên nhân và bài học kinh nghiệm: Công tác PCTN hiện nay thiếu tính hệ thống, thiếu sự gắn kết, phối hợp giữa các cấp, các ngành; nội dung tuyên truyền chưa thật sự hấp dẫn, thực hiện chưa thường xuyên. Nguyên nhân chủ yếu là do một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tu dưỡng rèn luyện, lợi dụng sơ hở trong quản lý, cơ chế, chính sách để thực hiện hành vi tham nhũng; lợi dụng nhiệm vụ được giao để nhũng nhiễu, vòi vĩnh; cố ý làm trái những quy định, quy trình công tác để vụ lợi.

- Đánh giá, phân tích cụ thể những vướng mắc, bất cập của các quy định trong Luật PCTN và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật PCTN: Nhà trường không có ý kiến về vấn đề này.

IV. KIẾN NGHỊ

- Đề xuất, kiến nghị để tiếp tục tăng cường thực hiện, nâng cao hiệu quả các giải pháp PCTN, tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ, thực sự ngăn chặn, đẩy lùi được tệ nạn tham nhũng trong thời gian tới: Hàng năm có kinh phí và kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng.

- Đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định hiện hành còn vướng mắc, bất cập: Không có.

- Các kiến nghị khác: Không có.

   Trên đây là báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng của Trường Đại học Nông Lâm./.

Tin bài: Nguyễn Thuy

CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC
Web các đơn vị
thư góp ý
Đang online 5897
Hôm nay 3355
Hôm qua 8476
Tuần này 16894
Tuần trước 11560
Tháng này 3748468
Tháng trước 3843540
Tất cả 48269547

Lượt truy cập: 48269547

Đang online: 5897

Ngày hôm qua: 8476

Phụ trách kỹ thuật: 0987. 008. 333

online

Chào mừng bạn đến với hệ thống trả lời hỗ trợ trực tuyến.
Để liên hệ với các bộ phận xin vui lòng điền đầy đủ vào mẫu kết nối

Họ và tên


Địa chỉ Email


Yêu cầu hỗ trợ