Bằng chứng chỉ ra mối liên quan giữa thịt đỏ và ung thư đại tràng xuất phát từ hai nghiên cứu lớn năm 2005 ở Châu Âu và Mỹ (Đại học Y khoa Harvard đăng tải tháng 01/2008). Kết quả chỉ ra rằng, những người ăn nhiều thịt đỏ (khoảng 140 gr mỗi ngày) tăng nguy cơ tới hơn 30% về ung thư ruột kết so với người ăn ít thịt đỏ (trung bình ít hơn 30 gr mỗi ngày). Tiêu thụ thịt gà không ảnh hưởng tới nguy cơ này, trong khi đó khẩu phần cá cao trong bữa ăn dường như làm giảm nguy cơ ung thư đại tràng khoảng 1/3.
Kết quả nghiên cứu còn đưa thêm quan điểm chủng loại người và loại thực phẩm cũng có ảnh hưởng tới nguy cơ gây ung thư. Việc tiêu thụ thịt đỏ cao, đặc biệt là thịt nấu chín (thịt đã chế biến, nướng, rán) làm tăng tỷ lệ mắc ung thư tuyến tiền liệt lên gấp đôi ở người Mỹ gốc Phi so với người Mỹ da trắng.
Kết quả nghiên cứu này cũng được các trang báo mạng của Việt Nam đăng tải lại. Trong đó, tác giả có chỉ ra nguyên nhân và đưa ra khuyến cáo về việc tiêu thụ thịt đỏ. Xin tóm tắt lại như sau:
- Thịt đỏ là thực phẩm nguy hiểm bởi nó kích hoạt các tế bào ung thư, có khả năng phát triển ung thư đường ruột do trong thịt đỏ có các amin dị vòng (HCAs) và hydrocarbon thơm đa vòng (PAHs) hình thành khi nấu dưới nhiệt độ cao như nướng, rán.
- Ngoài ung thư ruột, dễ mắc các loại ung thư khác và các bệnh béo phì, béo bụng, huyết áp và tim mạch. Cholesterol trong thịt đỏ có thể là nguyên nhân dẫn đến đau tim, đột quỵ.
- Khuyến cáo: Chỉ nên ăn 1 lần/ tuần hoặc 3 lần/ tháng (Linh Nga, Báo vnexpress.net ra ngày 26/10/2015).
Đánh giá ở góc độ Thực phẩm và Dinh dưỡng cho thấy: Trong quá trình nướng, rán ở nhiệt độ cao (từ trên 200oC) với bất kỳ loại thịt nào cũng đều hình thành các hợp chất HCAs và PAHs.
Nghiên cứu của GS. Williams, Đại học Wollongong (Australia) đăng trên Tạp chí Dinh dưỡng và Chế độ Ăn uống (2007) đã chỉ ra rằng:
- Thịt đỏ có chứa các protein giá trị sinh học cao và các vi lượng quan trọng với sức khỏe con người. Trong thịt đỏ cũng có các acid béo không no như omega-3 và các acid béo không bão hòa khác.
- Thành phần dinh dưỡng phụ thuộc vào giống, thức ăn, thời điểm giết mổ và vị trí miếng thịt nhưng nhìn chung thịt đỏ chứa ít chất béo; cholesterol ở mức trung bình; giàu protein, các acid amin (taurine, carnitine, carnosine, ubiquinone, glutathione and creatine); các vitamin và muối khoáng cần thiết (niacin, B6, B12, phospho, kẽm, sắt và đồng).
Như vậy, xét trên các thành phần dinh dưỡng có trong thịt đỏ có thể thấy:
- Hàm lượng các chất béo trong thịt đỏ ít, hàm lượng glucid (trong tất cả các loại thịt) hầu như không có nên chuyển hóa thành lipid trong cơ thể ở mức thấp.
- Thịt đỏ giàu acid béo không no (omega-3, linoleic...) là những chất chống oxi hóa, ngăn ngừa sự phát sinh các gốc tự do... Do đó, chúng ngăn ngừa sự phát triển của tế bào ung thư.
- Các acid amin (taurine, carnitine...), vitamin và muối khoáng là những hoạt chất sinh học rất cần thiết cho sự sinh trưởng, phát triển và tăng cường miễn dịch của cơ thể.
- Hàm lượng cholesterol ở mức trung bình (khi so sánh với thịt từ lục phủ, ngũ tạng, mỡ hoặc da của động vật hoặc các loại thịt khác). Vì vậy, thịt đỏ không phải là nguyên nhân chính làm tăng hàm lượng cholesterol trong cơ thể.
Bên cạnh đó, theo thông tin từ Quỹ nghiên cứu Ung thư thế giới: Nguy cơ ung thư đại tràng xảy ra do thói quen sống không phù hợp (bị thừa cân, béo phì; lười vận động, ăn nhiều thịt ít rau, hút thuốc, rượu bia nhiều) hoặc do tiền sử bệnh tật của gia đình; tuổi tác tỷ lệ thuận với nguy cơ ung thư. Kết quả này cũng tương tự công bố của các nhà khoa học Anh về mối liên quan giữa việc tiêu thụ thịt và ung thư.
Để giảm nguy cơ ung thư đại tràng cần:
- Giữ cân nặng ở mức hợp lý.
- Tăng cường hoạt động thể lực.
- Ăn uống khoa học: cân đối các nguồn thực phẩm từ ngũ cốc, đậu đỗ nguyên hạt, rau quả cùng với việc giới hạn thịt đỏ tươi không quá 700g/ tuần.
- Chế độ ăn chứa lượng vitamin D, canxi từ các sản phẩm sữa ít hoặc không béo.
- Hạn chế rượu bia và không sử dụng thuốc lá...
Tóm lại, ung thư nói chung, ung thư đại tràng nói riêng cùng các bệnh mãn tính không lây (béo phì, huyết áp, tim mạch) xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau khá phức tạp. Thịt đỏ chỉ là một trong số các yếu tố nguy cơ gây bệnh. Muốn giữ cơ thể khỏe mạnh cần duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học, hợp lý với một tinh thần thoải mái.
Tài liệu tham khảo:
1. https://www.health.harvard.edu/newsletter_article/red-meat-and-colon-cancer
2. http://suckhoe.vnexpress.net/…/an-nhieu-thit-do-co-the-gay-…
3. http://www.suckhoegiadinh.com.vn/…/thit-nuong-cang-ham-can…/
4. http://ro.uow.edu.au/cgi/viewcontent.cgi…
5. http://www.wcrf-uk.org/…/ca…/reducing-your-risk-bowel-cancer
Tổng hợp: Nguyễn Đức Tuân
Đang online | 1312 |
Hôm nay | 3355 |
Hôm qua | 6838 |
Tuần này | 23732 |
Tuần trước | 11560 |
Tháng này | 3755306 |
Tháng trước | 3843540 |
Tất cả | 48276385 |
Lượt truy cập: 48276394
Đang online: 1315
Ngày hôm qua: 6838
Phụ trách kỹ thuật: 0987. 008. 333