Khoa Quản lý Tài nguyên
Banner_600x330_1Banner_600x330_2
WEBSITE CÁC ĐƠN VỊ
Trang chủ Tin bài Hoạt động khác
17/12/2020 10:16 - Xem: 601

Nhật ký một ngày trải nghiệm du lịch nông nghiệp – Bạn học được gì sau mỗi chuyến đi

Trong lịch trình thực tập của chúng tôi, có một chuyến đi farmstay kết hợp thăm khu sản xuất chè tại xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ. Chuyến đi có sự tham gia của một số doanh nghiệp có liên kết đào tạo với Khoa. Anh Nguyễn Quốc Hoàn, giám đốc công ty Mơ Việt, anh Hoàn đang có một dự án đầu tư du lịch và sản xuất nông nghiệp tại huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn, anh Nguyễn Thế Kiên- chủ tịch hội đồng quản trị công ty du lịch Sao Sài gòn, thầy cô giáo trong khoa Quản lý tài nguyên cùng chúng tôi, sinh viên ngành Du lịch sinh thái.

 

        Trong lịch trình thực tập của chúng tôi, có một chuyến đi farmstay kết hợp thăm khu sản xuất chè tại xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ. Chuyến đi có sự tham gia của một số doanh nghiệp có liên kết đào tạo với Khoa. Anh Nguyễn Quốc Hoàn, giám đốc công ty Mơ Việt, anh Hoàn đang có một dự án đầu tư du lịch và sản xuất nông nghiệp tại huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn, anh Nguyễn Thế Kiên- chủ tịch hội đồng quản trị công ty du lịch Sao Sài gòn, thầy cô giáo trong khoa Quản lý tài nguyên cùng chúng tôi, sinh viên ngành Du lịch sinh thái.

       Sau khoảng thời gian rất dài trời nắng và thời tiết đẹp, trước ngày chúng tôi khởi hành,  một đợt không khí lạnh tràn về mang mưa đến cho toàn bộ miền Bắc, từ thứ Hai, trời mưa to suốt cả ngày làm chúng tôi lo lắng, không khéo hỏng cả một chuyến đi. Xe khởi hành vào sáng thứ Ba,  tại cổng trường, mưa vẫn rất nặng hạt. Anh Kiên cùng đoàn xuất phát từ Hà Nội rất sớm và đến Thái Nguyên rất đúng giờ. Thật đúng là, sau bao nhiêu ngày nắng mới có một ngày mưa, nhưng chuyến đi của chúng tôi không thể hoãn vì chương trình đã được thầy Chiến, giáo viên của chúng tôi lên kế hoạch từ trước.

      Chúng tôi đến xã Hoàng Nông vào khoảng gần 9 h, điểm đến đầu tiên của hành trình là Farm Hoàng Nông, tại  xóm Đoàn Thắng.  Đây là xã Nông thôn mới nên đường đi đã được bê tông hóa, con đường xuyên qua những khu đồi chè khá đẹp, trời đã tạnh mưa, mây mù trắng xóa dâng lên dày đặc tại các ngọn núi, do Farm được làm sâu phía trong nên chúng tôi phải gửi xe đi bộ. Đường vào farm của anh Tùng (chủ trang trại) phải qua một đoạn đường khá xa, hơi khó đi, ô tô nhỏ có thể vào được, trên đường gặp một bác nông dân trong xóm đang mang rau trồng tại nhà vào, bác nói để nấu cơm cho đoàn khách du lịch đến thăm Farm (chính là chúng tôi), một vài em bé trong xóm chạy ra nhìn, vì farm mới hoạt động, nên sự có mặt của đoàn chắc cũng gây được sự chú ý.  Đi du lịch vùng nông thôn có một cảm giác rất lạ, tôi bảo bạn đi cùng: oai thật đấy, về làng có khác, cảm giác được ngưỡng mộ!

         Farm được xây dựng ở chân đồi cao, xung quanh trồng toàn chè, được thiết kế đơn giản nhưng khá ấn tượng và rất sạch sẽ. Hôm nay, do trời mưa, trời đã vào cuối thu buổi sáng khá lạnh, nên giữa nhà anh Tùng đã cho đốt một bếp củi. Không khí thật ấm áp, thân thiện. Một chú chó nhỏ chào đón khách bằng cách chạy đi chạy lại tung tăng vui vẻ, tôi thực sự rất ghét chó, nhưng bộ dạng lông xù, mắt đen láy trong chiếc áo gile bằng len sọc ngộ nghĩnh làm cảm giác không thích loài động vật này trong tôi giảm bớt vài phần. Sau đợt này, tôi nghĩ sẽ xem xét đề nghị của thằng em, nó cứ đòi nuôi một con chó mà tôi nhất định không đồng ý.

      Ngay cạnh bên nhà sàn nơi chúng tôi ngồi có một con suối nhỏ bắt nguồn từ dãy đồi cao sau nhà, bây giờ vào mùa khô, nhưng nước vẫn róc rách chảy, một con đường nhỏ được trồng nhiều cây giống như cây khoai môn, một vài cây tôi không biết cây gì, đang cho những bông hoa đỏ rất lạ, anh Tùng cho biết, anh trồng cây những cây bản địa này cho đỡ công chăm sóc và khách du lịch cũng rất thích. Khu nhà vệ sinh của Farm khá tiêu chuẩn, nhưng làm chúng tôi hơi e ngại vì chẳng ghi rõ nam, nữ gì cả. Chúng tôi đành quy định theo dãy là nam bên trái, nữ bên phải, nhưng thật ra cũng chẳng ai tuân theo. Anh Tùng không có nhật ký cho Farm, nếu có liệu tôi nên bảo anh ấy là nên quy định nam riêng, nữ riêng không nhỉ? Farm có một vài phòng nhỏ cho khách gia đình thuê, còn lại là một nhà sàn to, chắc cho các đoàn du lịch kiểu như lớp chúng tôi, chỉ là các dãy đệm được xếp khá gần nhau, lúc này tôi mới hiểu, nhà sàn còn ngủ chung tất cả được thì khu vệ sinh chắc cũng không cần ghi riêng nam và nữ. Đúng là nhập gia tùy tục thật.

   Trước khi đi khám phá suối Cửa Tử, một địa danh nổi tiếng của khu vực này, chẳng hiểu sao suối mang cái tên nghe ghê thế. Đọc trên mạng thấy đây là một con suối bắt nguồn từ chân núi phía Đông dãy Tam Đảo, chảy thẳng ra đây, có một đường lên và xuống duy nhất nên người dân gọi vậy, lâu rồi thành quen, chứ chẳng liên quan gì đến chết chóc cả, chúng tôi ngồi lại với nhau, chia sẻ một vài kinh nghiệm. Anh Nguyễn Quốc Hoàn, một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực khách sạn, anh có nói với chúng tôi, khi mới tốt nghiệp đại học ngoại thương, nhà nghèo, quyết tâm ở lại Hà nội anh xin vào phục vụ tại một quầy bar, làm nhiệm vụ bưng bê, mới đầu anh thấy rất buồn bực, trong đầu quẩn quanh ý nghĩ sao mình học đại học ngoại thương mà phải làm việc bưng bê cho khách thế này. Nhưng dần anh tìm thấy niềm vui trong công việc, thay vì buồn bực trong lòng, anh thấy mang cho khách một ly cà phê là mình đã mang đến cho khách một niềm vui, dần dần anh nâng cao vốn ngoại ngữ và thi được vào lễ tân của khách sạn 5 sao, anh ấy đã từng làm đến  tổng giám đốc một khách sạn 4 sao tại Hà nội. Chia sẻ của anh,  thật hữu ích cho tôi, có gì mà tôi không mơ mộng một chút nhỉ, là tôi chỉ xuất phát từ một khu vực nông thôn, cũng có thể bằng tâm huyết và nỗ lực của mình, trở thành một giám đốc khách sạn. Giấc mơ mà, chắc không ai cấm! Anh Kiên cũng có nhiều tâm sự với chúng tôi, anh khuyên chúng tôi hãy chịu khó học ngoại ngữ đi, ngày xưa các anh ấy học đại học, suốt ngày ra Bờ Hồ, gặp ông Tây nào cũng phải đến bắt chuyện làm quen, để thực hành ngoại ngữ, khi anh ấy được ra nước ngoài học, nói chuyện với thầy, sau nghe bạn kể lại mới biết; thầy bảo: cái cậu Kiên ấy chẳng biết nói tiếng gì mà thầy nghe chẳng hiểu gì, huhu, anh Kiên bảo anh ấy thi đạt 6.5 tiếng Anh đấy. Tuy nhiên, anh bảo không sợ gì đâu, ngoại ngữ là ngôn ngữ, cứ tập nói, tập nghe rồi sẽ quen, rồi anh lo chúng tôi không có môi trường học tập. Riêng điều này, anh nhầm to rồi, trường tôi có hẳn một trung tâm đào tạo và quan hệ quốc tế, ngày xưa anh ấy phải ra hồ Tây mới có người thực hành, còn chúng tôi nếu muốn có thể đăng ký học tại trung tâm, tiếng Anh, tiếng Nhật đều có thầy dạy. Tôi cũng đăng ký học một lớp tiếng Anh rồi, còn ngay cạnh phòng của chúng tôi, có mấy bạn sinh viên Lào, hai bạn Modămbich, ngại gì mà không học thêm tiếng Lào nữa.

Chia sẻ kinh nghiệm học tập – Anh Hoàn mặc áo trắng ngồi giữa

      Một điều thú vị nữa là anh Tùng, chủ trang trại Farm cũng tâm sự, anh đã từng là hướng dẫn viên du lịch, dẫn khách đi khắp các vùng miền của tổ quốc, có những chuyến dẫn khách đi rất xa, mất hàng tuần, anh chợt nghĩ, quê mình phong cảnh thật đẹp, thật hùng vĩ, người dân thân thiện, lại rất gần Hà Nội, sao không tự khởi nghiệp từ chính quê hương mình, anh về nhà gom tiền mua một ngôi nhà sàn cũ, vay vốn bố mẹ, cải tạo làm nên trang trại này, anh cho biết trang trại đã hoạt động được gần một năm rồi, tỷ lệ khách quay lại đạt 50%, mặc dù do dịch COVID, ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng Farm của anh vẫn đông khách, do mọi người có nhu cầu thư giãn, nghỉ ngơi khi về thăm làng, xem người dân sản xuất chè, khám phá suối cửa Tử, hoặc họ cũng muốn có cảm giác giống tôi, kiểu oai oai khi về làng. Các anh cũng trao quà cho chúng tôi, mỗi người một áo phông trắng, in logo Mơ Việt màu xanh, như thắp lên những mơ ước đầu đời tươi đẹp của chúng tôi.

    Gần trưa, trời có chút hửng lên, chúng tôi thay giày dép, kéo nhau ra suối, đường ra suối tắt qua khu vườn chè rộng lớn, búp xanh rờn, tôi thấy đẹp quá, nhưng cô Thủy, cô giáo đi cùng đoàn bảo: chè này hơi bị quá lứa rồi,  anh không có người hái, do mải đón và phục vụ khách du lịch, ôi, mâu thuẫn rồi, liệu anh có vì du lịch mà bỏ canh tác chè không nhỉ, nếu thế thì thật tiếc, mặc kệ chè quá lứa, tôi tranh thủ ghi lại kỷ niệm đẹp này.

                       

Đường đi đến suối Cửa Tử xuyên qua nương chè của anh Tùng

 

       Suối Cửa Tử khá yên bình vào mùa này, nếu muốn khám phá hết phải đi ngược suối khoảng 5 km, thì mới đến trạm cuối cùng, đi được một đoạn, khoảng 500 m cả đoàn đói bụng quay ra, tạm thời xem hình ảnh video do anh Tùng gửi cho, để lúc nào có thời gian quay lại, khám phá tiếp. 

Chụp ảnh cùng doanh nghiệp và thầy cô giáo khoa Quản lý tài nguyên

      Trên đường về, chúng tôi gặp một vườn chè được bao phủ bằng lưới trắng, thật tôi chẳng hiểu gì về chè, nhưng biết chè được canh tác trong nhà lưới thế sẽ rất ít sâu bệnh, lại được bón phân hữu cơ nữa thì chất lượng ngon hơn. Tôi định mua về cho bố tôi ở quê một ít chè để làm quà nhưng anh Tùng bảo, chè của vườn chị Dung, rất sạch và rất ngon nên khách hàng đã đặt mua hết, nếu muốn có thể liên lạc với chị, chị sẽ gửi hàng về tận nơi cho, thương mại điện tử giờ cũng len vào đến tận làng.

Vườn chè được trồng trong nhà lưới của chị Dung

                          

Nhóm chúng tôi tại suối Cửa Tử

     Về đến Farm đã 12 h, đói quá đi, mùi xôi thơm hấp dẫn qúa, thấy thơ Tây Tiến của Quang Dũng sao mà đúng thế:

                              Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

                            Mai Châu mùa em thơm nếp xôi

      Bữa cơm giao lưu của chúng tôi thật vui, rượu của thầy Nhuận đặt mua từ Bằng Phúc, Bắc Kạn mang lên.  Có bạn uống hơi say rồi, tôi không dám uống, tôi say xe, không biết uống rượu, thầy cô bảo thế sao học được Du lịch, sao khó thế nhỉ, thôi nhấp một chút cho tý về say luôn thể vậy.

Áo trắng các anh tặng, thắp lên những ước mơ đầu đời tươi đẹp của chúng tôi

       Chúng tôi còn chương trình thăm khu sản xuất chè, thăm thung lũng chè cầu Đá, một khu vực đồi chè đẹp nhất tỉnh Thái nguyên hiện nay. Nhật ký của tôi cũng dài rồi, nghiệp vụ của hướng dẫn viên là không nói nhiều khi khách mệt mỏi.

        Du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, thật nhiều khái niệm, tôi chẳng đưa cái nào vào đầu, nhưng hôm nay đến đây, trọn vẹn một ngày được học tập, chia sẻ, thật đáng đi và cảm nhận, muốn ghi một lời cảm ơn cho anh Tùng, người đã dám tự khởi nghiệp trên quê hương mình,  hẹn anh một ngày trở lại Hoàng Nông farm, mà mới nhớ ra anh không có sổ ghi lưu bút. Tặng anh bài viết này, thay cho lời cám ơn.

                                                                           Thái nguyên, ngày cuối thu

                                            Hương Trần: sinh viên Du lịch khoa Quản lý tài nguyên

CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC
Web các đơn vị
Đăng ký trực tuyến
Tuyển dụng
Cổng thông tin du lịch tỉnh Thái Nguyên
Đang online 649
Hôm nay 2853
Hôm qua 1926
Tuần này 7916
Tuần trước 11560
Tháng này 3739490
Tháng trước 3843540
Tất cả 48260569

Lượt truy cập: 48260643

Đang online: 694

Ngày hôm qua: 1926

Phụ trách kỹ thuật: 0987. 008. 333

online

Chào mừng bạn đến với hệ thống trả lời hỗ trợ trực tuyến.
Để liên hệ với các bộ phận xin vui lòng điền đầy đủ vào mẫu kết nối

Họ và tên


Địa chỉ Email


Yêu cầu hỗ trợ